Suy tuỷ

19.11.2023 7:59 sáng

Sơ lược

Suy tuỷ là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, xảy ra khi tuỷ xương giảm khả năng sản xuất tế bào máu mới. Suy tuỷ có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, ngay từ lúc mới sinh hoặc ở tuổi trưởng thành. Suy tuỷ có thể xảy ra đột ngột hoặc diễn ra từ từ bắt đầu với triệu chứng của giảm một dòng tế bào máu, và tiến triển trầm trọng hơn theo thời gian với biểu hiện của giảm toàn bộ 3 dòng tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu).

Nguyên nhân

  • Vô căn: Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh suy tuỷ là do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào gốc trong tủy xương, chiếm 70-8-% các trường hợp.
  • Các yếu tố khác có thể làm tổn thương tủy xương và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tế bào máu bao gồm xạ trị, hóa trị, tiếp xúc với hóa chất độc hại, sử dụng một số loại thuốc (phenacetin, aspirin, captopril, methyldopa…), rối loạn tự miễn, nhiễm virus...
  • Cần phân biệt với bệnh suy tuỷ có thể do nguyên nhân di truyền (thiếu máu Fanconi, hội chứngShwachman–Diamond…) hoăch suy tuỷ trong bệnh lí ác tính.

Triệu chứng

Bệnh suy tuỷ biểu hiện qua 3 nhóm triệu chứng:

  • Thiếu máu: xanh xao, chóng mặt, dễ mệt mỏi, khó thở, nhịp tim nhanh
  • Nhiễm trùng: sốt, ho, đau họng, nổi hạch thường xuyên hoặc kéo dài
  • Xuất huyết: các chấm xuất huyết hoặc mảng bầm tím trên da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng, tiểu máu, xuất huyết đường tiêu hoá

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh suy tuỷ bao gồm chẩn đoán bệnh và mức độ nặng, xác định nguyên nhân, loại trừ các nguyên nhân khác.

  • Khám thực thể: đánh giá mức độ biểu hiện thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng, các biểu hiện của các bệnh lý đi kèm.
  • Xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh: công thức máu toàn phần (CBC) để kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầutiểu cầu; số lượng hồng cầu lưới để kiểm tra khả năng sản xuất hồng cầu mới; phết máu ngoại biên để đánh giá hình thái các tế bào máu; tuỷ đồ và sinh thiết tủy xương để đánh giá số lượng, hình thái các tế bào máu tại tuỷ và vi môi trường tuỷ xương, cũng như loại trừ các bệnh lí ác tính tại tuỷ.
  • Xét nghiệm tìm nguyên nhân: ANA, AntidsDNA, LE cell, CMV IgM/IgG, EBV IgM/IgG, Parvo virus, HHV-6

Điều trị

Các lựa chọn điều trị bệnh suy tuỷ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và độ tuổi của bệnh nhân, bao gồm:

– Điều trị hỗ trợ: truyền chế phẩm máu, dùng thuốc cầm máu, điều trị và dự phòng nhiễm trùng, điều trị thải sắt (Deferoxamine, Deferasirox với các trường hợp truyền máu nhiều lần)

– Điều trị đặc hiệu:

  • Liệu pháp ức chế miễn dịch: Antithymocyte globulin (ATG), Cycophosphamide, Alemtuzumab
  • Ghép tế bào gốc, (ghép tủy): dị ghép từ người cho phù hợp HLA

Điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến ​​​​của chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu bạn nghi ngờ mình mắc phải tình trạng này. Suy tuỷ là một căn bệnh nghiêm trọng và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cần lưu ý rằng đây là nội dung tổng quan và không thể thay thế lời khuyên của các bác sỹ chuyên khoa. Nếu bạn lo lắng hoặc có các triệu chứng liên quan, điều cần thiết là tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa để được đánh giá và hướng dẫn thích hợp.

 

BS. TS. Nguyễn Thị Thu Thảo

Tốt nghiệp ngành Bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y Dược TP.HCM (2016). Tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa tại Đại học Yamanashi, Nhật Bản. Công tác tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. HCM. Hiện tại là Nghiên cứu viên tại Khoa Y, Đại học Yamanashi, Nhật Bản.