Sơ lược
Bạn có thể bắt gặp hình ảnh thiết bị AED với biểu tượng trái tim và tia chớp quen thuộc ở nhiều nơi công cộng, khu thương mại, sân bay hay thậm chí là nhà ga xe điện. Tuy nhiên, bạn có thực sự hiểu rõ về thiết bị này không? Việc sử dụng AED khi cần thiết có thể giúp cứu sống người khác, ngay cả khi bạn không phải là bác sĩ hay nhân viên y tế. Hãy cùng nhau học cách sử dụng thiết bị này, nó khá đơn giản.
AED là gì
AED (automated external defibrillator) có tên gọi là một thiết bị khử rung tim tự động cầm tay. AED có thể phân tích nhịp tim của người bị ngừng tim đột ngột (Sudden Cardiac Arrest) và tạo sốc điện nếu cần thiết, để giúp hồi phục nhịp tim trở về bình thường.
AED được dùng trong trường hợp nào
AED được sử dụng đặc biệt cho nạn nhân trong tình trạng tim đột ngột ngừng đập, làm gián đoạn lưu lượng máu đi khắp cơ thể. Điều này có thể xảy ra do nhiều lý do khác nhau, bao gồm:
- Rung thất (Ventricular fibrillation): Tâm thất, buồng dưới của tim chịu trách nhiệm bơm máu đi khắp cơ thể. Vì ly do nào đó tâm thất run hỗn loạn làm tim không co bóp hiệu quả.
- Nhịp nhanh thất (Ventricular tachycardia): Tâm thất đập quá nhanh, làm cản trở quá trình bơm máu hiệu quả.
Cách sử dụng AED
Cần Nhớ:
- Việc sử dụng sớm AED là rất quan trọng trong việc tăng cơ hội sống sót cho người gặp phải ngừng tim đột ngột.
- Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng AED, ngay cả khi bạn không được đào tạo trước. Thiết bị này cung cấp hướng dẫn bằng giọng nói rõ ràng trong suốt quá trình thực hiện.
Dưới đây là hướng dẫn chung về cách sử dụng AED khi gặp người bị ngừng tim đột ngột.
- Kiểm tra hiện trường và kêu cứu: Đảm bảo an toàn cho bạn và người ngừng tim đột ngột. Nếu có người khác có mặt, hãy nhờ ai đó gọi dịch vụ khẩn cấp ngay lập tức.
- Bật AED: Hầu hết các AED đều tự động kích hoạt khi mở hộp AED. Làm theo lời hướng dẫn bằng hình ảnh hoặc giọng nói trong AED.
- Chuẩn bị cho nạn nhân: Nhẹ nhàng đặt người bị ngừng tim đột ngột nằm ngửa trên một mặt phẳng. Cởi bỏ quần áo ướt trên ngực nạn nhân.
- Gắn các miếng đệm AED: Có 2 miếng đệm, AED sẽ có hướng dẫn rõ ràng và thường có sơ đồ về nơi đặt 2 miếng đệm. Thông thường, sẽ đặt một miếng đệm ở ngực trên bên phải và miếng còn lại ở ngực dưới bên trái, bên dưới nách.
- Thực hiện theo hướng dẫn của AED: AED sẽ phân tích nhịp tim và đưa ra lời khuyên nếu cần sốc điện. Không chạm vào người nạn nhân trong khi AED đang phân tích nhịp điệu.
- Nếu được thông báo sốc: AED sẽ hướng dẫn bạn lùi lại và nó sẽ tự động tạo sốc điện.
- Hồi sức tim phổi (cardiopulmonary resuscitation): Nếu AED thông báo không tạo sốc hoặc sau khi tạo sốc điện, AED có thể hướng dẫn bạn hồi sức tim phổi cho đến khi có trợ giúp.
Lưu ý: Đây là hướng dẫn chung và hướng dẫn cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào kiểu thiết bị AED. Điều quan trọng là phải làm theo lời hướng dẫn cụ thể của AED mà bạn đang sử dụng.
Điểm bổ sung:
- Nếu bạn được đào tạo về hồi sức tim phổi và cách sử dụng AED, điều này có thể cải thiện sự tự tin và hiệu quả của bạn trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp.
- Biết vị trí của AED trong cộng đồng của bạn có thể là vô cùng cần thiết trong trường hợp khẩn cấp. Nhiều nơi công cộng như sân bay, trung tâm mua sắm và phòng tập thể dục đều có sẵn AED.
Bài viết liên quan
Cơ xương khớp
Evenity – Thuốc mới điều trị loãng xương
Nhiễm trùng
Pretomanid – Thuốc mới điều trị lao kháng thuốc
Thần kinh
Caplyta – Thuốc mới trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt