Vabomere – Thuốc mới điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp

29.08.2017 8:55 chiều

VABOMERE LÀ

Là thuốc dạng dịch tiêm, kết hợp 2 trong 1, bao gồm meropenem (chất kháng khuẩn penem) và vaborbactam (chất ức chế beta-lactamase), do Rempex phát triển và thương mại hóa. Vabomere được chỉ định điều trị bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên bị nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp (complicated urinary tract infections: cUTI) bao gồm viêm bể thận do vi khuẩn nhạy cảm.

Chỉ định này được FDA phê duyệt vào tháng 8 năm 2017.

CƠ CHẾ TÁC DỤNG

Meropenem diệt khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào. Meropenem thâm nhập vào thành tế bào của hầu hết các vi khuẩn gram dương và gram âm để gắn kết với protein liên kết penicilin (penicillin-binding protein) mục tiêu. Meropenem không bị thủy phân bởi hầu hết các beta-lactamase, bao gồm penicilinase và cephalosporinase do vi khuẩn gram âm và gram dương sản xuất, ngoại trừ beta-lactamase thủy phân carbapenem. Vaborbactam là chất ức chế beta-lactamase, bảo vệ meropenem khỏi bị phân hủy bởi một số beta-lactamase như Klebsiella pneumoniae carbapenemase (KPC). Vaborbactam không có tác dụng kháng khuẩn.

HIỆU QUẢ LÂM SÀNG

Vabomere được FDA phê duyệt dựa trên một thử nghiệm lâm sàng ở 545 người lớn mắc cUTI, bao gồm cả viêm bể thận. Kết quả cho thấy khoảng 98% bệnh nhân được điều trị bằng Vabomere đã được chữa khỏi / cải thiện các triệu chứng và xét nghiệm cấy nước tiểu âm tính so với khoảng 94% bệnh nhân được điều trị bằng piperacillin / tazobactam, một loại thuốc kháng khuẩn khác.

ĐIỀU TRỊ VỚI VABOMERE VÀ TÁC DỤNG PHỤ THƯỜNG GẶP

Xem thêm tài liệu hướng dẫn sử dụng tại đây

Vabomere được cung cấp dưới dạng dịch tiêm tĩnh mạch. Liều khuyến cáo là 4 gam (meropenem 2 gam và vaborbactam 2 gam) mỗi 8 giờ bằng cách truyền tĩnh mạch trong 3 giờ, trong tối đa 14 ngày. Điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận có eGFR < 50 mL / phút / 1,73m2.

Tác dụng phụ thường gặp là nhức đầu, phản ứng tại chỗ tiêm truyền và tiêu chảy.

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.fda.gov/news-events/press-announcements/fda-approves-new-antibacterial-drug
  2. https://www.vabomere.com/media/pdf/vabomere-us-prescribing-information.pdf

Nguyễn Tiến Sử, MD, PhD, MBA

🎓Tốt nghiệp Bác Sĩ Đa Khoa (MD), tại Đại Học Y Dược TP. HCM, VIETNAM (1995). 🎓Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa (PhD), ngành Y Học Ứng Dụng Gene, tại Tokyo Medical and Dental University, JAPAN (2007). 🎓Tốt nghiệp Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA), ngành Global Leadership, tại Bond University, AUSTRALIA (2015).

#Meropenem
#Nhiễm trùng đường tiết niệu
#Thuốc mới
#Vabomere
#Vaborbactam