Xét nghiệm phát hiện MRSA

06.12.2019 6:32 chiều

Cục Quản lý Dược & Thực phẩm phẩm Hoa Kỳ vừa cho phép lưu hành thiết bị xét nghiệm có thể phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA).

Thiết bị có tên là cobas vivoDx MRSA do công ty Roche Molecular Systems sản xuất. Thiết bị xét nghiệm này cho phép các chuyên gia chăm sóc sức khỏe xác định bệnh nhân nhiễm MRSA nhanh hơn so với các kỹ thuật nuôi cấy truyền thống.

Thiết bị cobas vivoDx MRSA sử dụng công nghệ vi khuẩn mới, dựa trên phát quang sinh học, có thể phát hiện MRSA từ các mẫu bệnh phẩm ở mũi trong khoảng 5 giờ so với 24-48 giờ đối với phương pháp nuôi cấy thông thường. Xét nghiệm chẩn đoán mới, có thể giúp phát hiện MRSA nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Nhiễm MRSA có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng và có thể tử vong. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC: Centers for Disease Control and Prevention) Hoa Kỳ, khoảng 5% bệnh nhân ở các bệnh viện Hoa Kỳ mang MRSA, mặc dù nhiều người trong số này không tiến triển nhiễm trùng.

MRSA đã được CDC xác định là mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng ở người. MRSA kháng với nhiều loại kháng sinh thông thường, do đó nếu nhiễm trùng phát triển, rất khó có thể kiểm soát.

Việc tích cực sàng lọc để phát hiện MRSA, và thực hiện các biện pháp kiểm soát, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ nhiễm MRSA.

CDC ước tính rằng có hơn 323.000 trường hợp mang MRSA trong số các bệnh nhân nhập viện ở Hoa Kỳ và hơn 10.000 trường hợp tử vong trong năm 2017.

Nguồn tham khảo:

  1. https://diagnostics.roche.com/fi/en/products/params/cobas-vivodx-mrsa.html
  2. https://www.fda.gov/news-events/press-announcements/fda-authorizes-marketing-diagnostic-test-uses-novel-technology-detect-mrsa-bacteria

Nguyễn Tiến Sử, MD, PhD, MBA

🎓Tốt nghiệp Bác Sĩ Đa Khoa (MD), tại Đại Học Y Dược TP. HCM, VIETNAM (1995). 🎓Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa (PhD), ngành Y Học Ứng Dụng Gene, tại Tokyo Medical and Dental University, JAPAN (2007). 🎓Tốt nghiệp Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA), ngành Global Leadership, tại Bond University, AUSTRALIA (2015).

#CDC
#MRSA
#Nhiễm trùng
#Staphylococcus aureus kháng Methicillin