Hướng tới ứng dụng máu tái tạo trong tương lai

08.07.2024 2:36 chiều

Mới đây, một công bố tại cuộc họp báo bởi một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Hiromizu Sakai của Đại học Y khoa tỉnh Nara Nhật Bản dẫn đầu, về khả năng sử dụng máu tái tạo bằng cách tái chế máu của người hiến tặng đã hết hạn sử dụng. Nếu được đưa vào sử dụng thực tế, có thể nói đây là máu tái tạo đầu tiên trên thể giới. Điều này đang thu hút sự chú ý như một giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu máu truyền máu.

Theo Hiệp hội chữ thập đỏ Nhật Bản, các sản phẩm máu dùng để truyền máu được tạo ra từ máu hiến tặng bằng cách chia thành hồng cầu, tiểu cầu và các thành phần huyết tương. Trong số này, các sản phẩm hồng cầu có giá trị sử dụng trong 28 ngày sau khi lấy máu. Vì lý do này, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản phải điều chỉnh lượng cung cho các cơ sở y tế để có thể sử dụng trong thời gian quy định, tuy nhiên một số sản phẩm máu đã hết hạn sử dụng phải tiêu hủy.

Do giới hạn về số lần và lượng máu mà một người có thể hiến trong một năm, mặc khác, trong những năm gần đây, lượng máu hiến trong giới trẻ ngày càng giảm, trong đó lượng máu hiến ở những người ở độ tuổi 30 trở xuống giảm khoảng 30% trong 10 năm tính đến năm 2021. Ngoài ra, do có giới hạn về độ tuổi hiến máu nên có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu sản phẩm máu khi tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi. Việc cung cấp các sản phẩm máu ổn định cho các cơ sở y tế trong tương lai sẽ trở nên bất khả thi nếu không có nguồn cung bổ sung.

Máu tái tạo được tạo ra như thế nào

Sau khi máu của người hiến tặng đã hết hạn sử dụng thay vì hủy đi, các nhà nghiên cứu sẽ trích xuất thành phần hemoglobin (huyết sắc tố) và bọc chúng trong các vỏ bọc lipid và truyền vào cơ thể khi cần thiết.

Ưu điểm của máu tái tạo

  1. Thời gian bảo quản: Đối với máu của ngườn hiến tặng phải được bảo quản 2 – 6 độ C với thời gian bảo quản khoảng một tháng. Trong khi đó máu tái tạo có thể bảo quản ở nhiệt độ thường với thời gian bảo quản có thể lên đến 2 năm.
  2. Không cần xét nghiệm nhóm máu của người nhận: Máu tái tạo này có thể truyền cho bất cứ bệnh nhân nào không phân biệt nhóm máu.

Thử nghiệm lâm sàng và ứng dụng trong tương lai

Nhóm nghiên cứu sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng toàn diện vào năm tới để xác nhận tính an toàn và hiệu quả nhằm hướng tới phê duyệt và áp dụng vào năm 2030.

Nguồn tham khảo

  1. https://www3.nhk.or.jp/lnews/nara/20240701/2050016391.html
  2. https://news.yahoo.co.jp/articles/0afc567cea0fe97546b6ea0deddf506bf2a7c2b0

Nguyễn Tiến Sử, MD, PhD, MBA

🎓Tốt nghiệp Bác Sĩ Đa Khoa (MD), tại Đại Học Y Dược TP. HCM, VIETNAM (1995). 🎓Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa (PhD), ngành Y Học Ứng Dụng Gene, tại Tokyo Medical and Dental University, JAPAN (2007). 🎓Tốt nghiệp Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA), ngành Global Leadership, tại Bond University, AUSTRALIA (2015).

#Máu nhân tạo