Tác hại của rượu và hướng dẫn sử dụng liều lượng thích hợp

22.02.2024 4:48 chiều

1. Sơ lược

Rượu đã được con người sử dụng từ nhiều thiên kỷ trước, với bằng chứng cho thấy nó đã có từ năm 7000 trước công nguyên. Các nền văn minh sơ khai đã sử dụng quá trình lên men để sản xuất rượu và các đồ uống có cồn (alcohol) khác cho mục đích tôn giáo hoặc xã hội khác nhau.

Ở Việt Nam, truyền thống và văn hóa uống rượu đã ăn sâu vào đời sống của mọi người, rượu luôn có mặt trong các bữa tiệc thường ngày.

Việc uống rượu luôn có cả mặt tích cực và tiêu cực. Trong bài viết này nhằm mục đích giúp mỗi người tăng sự quan tâm và hiểu biết về các vấn đề liên quan đến rượu, thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết cho chính mình, để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cần phải nhận thức được những rủi ro và uống rượu một cách có trách nhiệm.

2. Thành phần và cấu trúc của cồn

Ethanol (C2H5OH) là loại cồn chủ yếu trong các loại đồ uống có cồn. Nó bao gồm 2 nguyên tử carbon, 6 nguyên tử hydro và một nhóm hydroxyl (OH). Cấu trúc của ethanol cho phép nó tương tác với các phân tử sinh học khác nhau và tác động đến cơ thể.

3. Chuyển hóa cồn trong cơ thể và ảnh hưởng của nó

  • Chuyển hóa 
    • Khi uống rượu vào, phần lớn lượng cồn có trong rượu sẽ được hấp thụ qua dạ dày và ruột non, sau đó lưu thông khắp cơ thể thông qua các mạch máu. Cồn sẽ bị phân hủy ở gan bởi các men (enzyme) và chuyển thành acetaldehyde (chất độc hại). Acetaldehyde tiếp tục chuyển hoá thành acetate vô hại trước khi bị đào thải khỏi cơ thể.
  • Ảnh hưởng của rượu đối với tuổi tác
    • Người cao tuổi do lượng dịch thể giảm, khi uống rượu sẽ dễ say hơn người trẻ, ngay cả khi uống cùng một lượng rượu. Nguy cơ té ngã, gãy xương và giảm lượng cơ, cũng sẽ tăng lên.
    • Có dữ liệu cho thấy những trẻ trong độ tuổi từ 10 tuổi đến 20 tuổi, đang trong quá trình phát triển trí não, việc uống quá nhiều rượu có khả năng làm suy giảm chức năng não và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe (huyết áp cao, v.v.).
  • Ảnh hưởng của rượu đối với giới tính
    • Nhìn chung, phụ nữ có lượng dịch thể ít hơn nam giới, lượng cồn bị phân hủy cũng có thể ít hơn nam giới. Ngoài ra do tác động của estrogen (nội tiết tố nữ) v.v. nên phụ nữ có thể dễ bị tổn thương gan do rượu hơn nam giới  mặc dù chỉ uống rượu trong một thời gian ngắn.
  • Ảnh hưởng của rượu đối với thể tạng
    • Men phân hủy cồn của cơ thể có thể khác nhau tùy thể tạng của từng người. Có người có men phân hủy cồn mạnh, có người có men phân hủy yếu hơn, việc này được cho là có liên quan đến gene di truyền. Những người có men phân hủy cồn mạnh thường ít bị say mặc dù uống lượng rượu nhiều. Nhưng những người có men phân hủy cồn yếu thường dễ bừng đỏ mặt và cảm giác khó chịu dù chỉ uống một lượng ít rượu.

4. Mặt tích cực của rượu nếu uống lượng ít thích hợp

Một số nghiên cứu cho thấy uống rượu vừa phải có thể mang lại một số lợi ích tiềm năng cho sức khoẻ cơ thể bao gồm:

  • Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
  • Cải thiện chức năng nhận thức
  • Tăng tương tác xã hội

5. Mặt tiêu cực nếu uống quá nhiều rượu

  • Nguy cơ mắc bệnh tật
    • Nếu bạn uống một lượng lớn rượu một thời gian ngắn, có khả năng bị ngộ độc rượu cấp tính, mức độ nhận thức kém, nôn mửa, cao huyết áp, đột quỵ, tình trạng hô hấp trở nên tồi tệ hơn, v.v.
    • Ngoài ra, uống nhiều rượu trong thời gian dài dễ mắc các bệnh như nghiện rượu, các bệnh tập quán lối sống, bệnh gan bao gồm xơ gan, và ung thư.
  • Nguy cơ rối loạn hành vi và nhận thức
    • Tiêu thụ quá nhiều rượu sẽ làm suy giảm khả năng phán đoán, giảm chức năng vận động, giảm khả năng tập trung dễ xảy ra tai nạn, cũng như dễ gây rối trật tự do hành vi không phù hợp sau khi uống rượu. Đôi khi xuất hiện trầm cảm, lo lắng.

6. Hướng dẫn sử dụng lượng cồn ở các nước

Định nghĩa “uống quá nhiều rượu” có thể khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính, và thể tạng cũng như do qui định của các nước cũng khác nhau. Tuy nhiên việc vượt quá giới hạn khuyến cáo hàng ngày có thể sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Công thức tính lượng cồn (g) trong rượu bia

  • Lượng cồn = [thể tích rượu (ml)] x [nồng độ] x [0.8 (tỷ trọng)]
    • 500ml bia (🍺), nồng độ 5%, có lượng cồn = 500 x 0,05 x 0.8 = 20 g
    • Rượu vang 12 %, 200ml (2 ly🍷🍷), có lượng cồn = 200 x 0,12 x 0,8 = 19,2 g
    • Whisky 43% 60ml (1 cốc 🥃) có lượng cồn = 60 x 0.43 x 0.8 = 20,64 g

Dưới đây là khuyến cáo sử dụng lượng cồn được qui định bởi các nước. Do các trị số trị khá khác nhau giữa các nước nên không thể đơn giản so sánh mà chỉ mục đích tham khảo. Hàn Quốc là nước đưa ra trị số sử dụng lượng cồn hàng ngày khá cao so với các nước khác.

 Tên nướcLượng cồn (g)
NamNữ
1IrelandDưới 170g / tuầnDưới 110g / tuần
2Hoa kỳ28g / ngày14g / ngày
3Anh QuốcDưới 112g / tuầnDưới 112g / tuần
4ÝĐến 24g / ngày (21-64 tuổi)
Đến 12g / ngày (18-20, trên 65 tuổi)
Đến 12g / ngày
5ÚcDưới 100g / tuầnDưới 100g / tuần
6Áo24g / ngày16g / ngày
7CanadaDưới 26g / tuầnDưới 13g / tuần
8Hàn Quốc40g / ngày20g / ngày
9Singapore26g / ngày13g / ngày
10Nhật Bản20g / ngày20g / ngày
11New zealand30g / ngày, dưới 150g / tuần20g / ngày, dưới 100g / tuần
12Nga30g / ngày20g / ngày

7. Cách uống rượu lành mạnh

Khi uống rượu, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để tránh những rủi ro.

  • Hiểu rõ tình trạng uống rượu của chính mình
    • Điều quan trọng là giảm thiểu rủi ro do uống rượu bằng cách uống rượu tùy theo tình trạng của bạn. Tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ, v.v. hoặc sử dụng test sàng lọc AUDIT (Test sàng lọc do Tổ chức Y tế Thế giới tạo ra để xác định những người có vấn đề về uống rượu. Nó bao gồm 10 câu hỏi đơn giản để phát hiện sớm vấn đề uống rượu, v.v.) Biện pháp này đo mức độ nghiêm trọng của các vấn đề liên quan đến rượu, để hiểu thói quen uống rượu của chính mình.
  • Quyết định trước sẽ uống bao nhiêu
    • Việc xác định lượng rượu bạn uống có thể giúp cải thiện hành vi uống rượu của bạn, chẳng hạn như tránh uống rượu quá mức. Khi uống rượu tại các sự kiện, v.v., điều quan trọng là mỗi người phải tự quyết định uống gì và uống bao nhiêu.
  • Ăn trước hoặc trong khi uống rượu
    • Điều này sẽ làm hạn chế hấp thụ cồn, và làm nồng độ cồn trong máu khó tăng cao, gây khó say.
  • Uống nước giữa các lần uống
    • Giúp rượu được phân hủy tốt và làm chậm hấp thụ (uống nước để giảm nồng độ cồn, uống từng phần nhỏ. Nó có tác dụng làm giảm lượng rượu nguyên chất.
  • Dành ra những ngày trong tuần không uống rượu
    • Tránh uống rượu liên tục mỗi ngày, nếu bạn tiếp tục uống rượu hàng ngày, điều này có thể dẫn đến chứng nghiện rượu. Bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như hạn chế uống rượu thường xuyên.

Nguồn tham khảo

  1. https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_37908.html
  2. https://www.nhk.or.jp/shutoken/newsup/20231124b.html
  3. Mukamal KJ, Kuller LH, Fitzpatrick AL, Longstreth Jr WT, Mittleman
  4. MA, Siscovick DS: Prospective study of alcohol consumption and risk of dementia in older adults.: JAMA. 2003; 289: 1405-1413.
  5. Wang SM, Han KD, Kim NY, Um YH, Kang DW, Na HR, Lee CU, Lim HK: Association
    of Alcohol Intake and Fracture Risk in Elderly Varied by Affected Bones: A Nationwide Longitudinal Study. Psychiatry Investig. 2020 Oct; 17(10): 1013– 1020.
  6. Rigler SK: Alcoholism in the Elderly. Am Fam Physician. 2000;61(6):1710- 1716.
  7. Shakya I, Bergen G, Haddad YH, Kakara R, Moreland BL: Fall-related emergency
    department visits involving alcohol among older adults. J Safety Res. 2020 Sep; 74: 125–131.
  8. Skinner J, Shepstone L, Hickson M, Welch AA: Alcohol Consumption and Measures of Sarcopenic Muscle Risk: Cross‐Sectional and Prospective Associations Within the UK Biobank Study. Calcified Tissue International. 2023. 113: 143–156.

Nguyễn Tiến Sử, MD, PhD, MBA

🎓Tốt nghiệp Bác Sĩ Đa Khoa (MD), tại Đại Học Y Dược TP. HCM, VIETNAM (1995). 🎓Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa (PhD), ngành Y Học Ứng Dụng Gene, tại Tokyo Medical and Dental University, JAPAN (2007). 🎓Tốt nghiệp Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA), ngành Global Leadership, tại Bond University, AUSTRALIA (2015).