Phản ứng dịch truyền và phản ứng dị ứng

25.05.2021 6:11 chiều

Các phản ứng quá mẫn (hypersensitivity reaction) trong hóa trị liệu ung thư, thường được đề cập đến 2 thuật ngữ là “phản ứng dịch truyền” (Infusion reaction: IR) và “phản ứng dị ứng” (Allergic reaction: AR). IR thường xảy ra khi sử dụng các chế phẩm protein, như thuốc mục tiêu phân tử (molecularly targeted drug). Trong khi đó AR là phản ứng quá mẫn loại I, liên quan đến đáp ứng miễn dịch chủ yếu tập trung vào kháng thể IgE.

Triệu chứng

  • IR không đặc hiệu và không có tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng. Thường được phán đoán tổng hợp dựa trên các triệu chứng điển hình như sốt, ớn lạnh, phát ban, khó thở và giảm huyết áp. Hầu hết các trường hợp các triệu chứng nhẹ đến trung bình, và ít trường hợp trở nên nghiêm trọng.
  • AR có các triệu chứng tương tự, nhưng nổi mề đay, đỏ bừng, nghẹt cổ họng và khó thở có xu hướng phổ biến hơn. Trong trường hợp nặng có thể có thở khò khè, mất ý thức và suy tuần hoàn.

Cơ chế khởi phát

  • Cơ chế biểu hiện IR vẫn chưa được biết rõ, nhưng được cho là có cơ chế khác với AR. Sự phóng thích cytokine trong IR được cho là do sự tương tác giữa chế phẩm protein (thuốc mục tiêu phân tử) trong dịch truyền và các tế bào khác nhau trong máu và tế bào khối u, dẫn đến phóng thích cytokine và được khuếch tán toàn thân bởi hệ tuần hoàn, dẫn đến một loạt các triệu chứng đặc trưng. Khi lượng cytokine được phóng thích nhiều, thì các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.
  • Không giống như IR, AR là phản ứng quá mẫn loại I, xãy ra khi cấu trúc phân tử hoặc thành phần của thuốc chống ung thư bị ngộ nhận như là kháng nguyên, dẫn đến giải phóng histamine, leukotriene, prostaglandin, v.v. qua trung gian IgE.

Thời gian khởi phát

  • IR khởi phát không liên quan đến sự nhạy cảm như một kháng nguyên, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 24 trong lần truyền dịch đầu tiên. Tỷ lệ xuất hiện giảm dần trong những lần truyền tiếp theo.
  • Trong khi đó AR có thời gian khởi phát khác nhau tùy vào loại thuốc. Thông thường các triệu chứng khởi phát sau khi dùng thuốc càng sớm, thì càng có nguy cơ trở nên nghiêm trọng.

Xử trí

  • IR: nếu triệu chứng nhẹ, có thể giảm tốc độ truyền, hoặc tạm ngưng truyền. Trong nhiều trường hợp có thể truyền lại, khi truyền lại, nên giảm tốc độ. Ngoài ra, việc sử dụng steroid và các loại tương tự nhằm mục đích giảm bớt các triệu chứng cũng được xem xét.
  • AR: ngưng dùng thuốc, loại bỏ thuốc khỏi cơ thể, càng nhiều, càng sớm, càng tốt, bằng cách truyền dịch (nước muối sinh lý,…) và theo dõi tiến triển. Về nguyên tắc không nên dùng lại thuốc khi bị dị ứng. Tuy nhiên, cũng có thể được đánh giá lại việc lựa chọn điều trị và hiệu quả của nó.

Nguồn tham khảo:

  1. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17471824/
  2. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18586928/
  3. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17522249/
  4. https://www.gi-cancer.net/gi/fukusayo/fukusayo_07_2.html
  5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4524952/#:~:text=Unlike%20anaphylactic%20reactions%2C%20anaphylactoid%20reactions,a%20separate%20entity%20from%20anaphylaxis.

Nguyễn Tiến Sử, MD, PhD, MBA

🎓Tốt nghiệp Khoa Y, ngành Bác Sĩ Đa Khoa (MD), tại Đại Học Y Dược TP. HCM, VIETNAM (1995). 🎓Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa (PhD), ngành Y Học Ứng Dụng Gene, tại Tokyo Medical and Dental University, JAPAN (2007). 🎓Tốt nghiệp Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA), ngành Global Leadership, tại Bond University, AUSTRALIA (2015).

#Allergic reaction
#Hypersensitivity reaction
#Infusion related reaction
#Phản ứng dị ứng
#Phản ứng liên quan đến tiêm truyền
#Phản ứng quá mẫn