Sơ lược:
CRISPR (Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats) là một công nghệ mang tính cách mạng trong lĩnh vực kỹ thuật di truyền. Nó là một công cụ có thể cắt và chỉnh sửa DNA với mức độ cực kỳ chính xác, tạo ra những tiến bộ vượt bật trong lĩnh vực y học. Công nghệ này đã mang về giải thưởng Nobel năm 2020.
Liệu pháp CRISPR (CRISPR Therapeutics) là ứng dụng của công nghệ CRISPR trong điều trị các rối loạn và bệnh di truyền. Trong bài viết này, chúng ta sẽ hiểu thêm về liệu pháp CRISPR, các ứng dụng của nó trong các lĩnh vực y học khác nhau và tiềm năng của nó như là một lựa chọn điều trị cho các bệnh trong tương lai.
Liệu pháp CRISPR là gì?
Liệu pháp CRISPR là một loại liệu pháp gen sử dụng công nghệ CRISPR để chỉnh sửa hoặc xóa các gene gây ra các bệnh di truyền. Công nghệ CRISPR sử dụng một loại protein có tên là Cas9 (hoạt động giống như chiếc kéo phân tử, có thể cắt DNA tại những vị trí cụ thể) và phân tử RNA hướng dẫn (guide RNA) có vai trò định hướng Cas9 đến vị trí cụ thể của DNA để chỉnh sửa hoặc cắt xóa gene đột biến gây bệnh. Liệu pháp CRISPR có khả năng chữa khỏi các bệnh di truyền, bao gồm cả các bệnh hiếm gặp chưa có liệu pháp điều trị trước đó.
Các ứng dụng của liệu pháp CRISPR
Liệu pháp CRISPR có khả năng điều trị nhiều loại bệnh di truyền, bao gồm các rối loạn di truyền ảnh hưởng đến máu, hệ miễn dịch và hệ thần kinh. Dưới đây là một số ứng dụng của liệu pháp CRISPR trong các lĩnh vực y học khác nhau:
1. Rối loạn về máu: Liệu pháp CRISPR có thể được sử dụng để điều trị các rối loạn về máu, bao gồm bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm và bệnh beta-thalassemia. Trong bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, CRISPR có thể được sử dụng để điều chỉnh đột biến gen gây ra protein huyết sắc tố bất thường dẫn đến các tế bào hồng cầu hình liềm. Trong bệnh beta-thalassemia, CRISPR có thể được sử dụng để tăng sản xuất huyết sắc tố của thai nhi, giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh.
2. Rối loạn miễn dịch: Liệu pháp CRISPR có thể được sử dụng để điều trị các rối loạn miễn dịch, bao gồm cả HIV và các bệnh tự miễn dịch. Trong HIV, CRISPR có thể được sử dụng để loại bỏ virus HIV khỏi các tế bào bị nhiễm bệnh, có khả năng chữa khỏi bệnh. Trong các bệnh tự miễn dịch, CRISPR có thể được sử dụng để chỉnh sửa các gene khiến hệ thống miễn dịch tấn công các mô của cơ thể.
3. Rối loạn thần kinh: Liệu pháp CRISPR có thể được sử dụng để điều trị các rối loạn thần kinh, bao gồm bệnh Huntington và ALS (Bệnh xơ cứng bó bên teo cơ). Trong bệnh Huntington, CRISPR có thể được sử dụng để làm im lặng (silence) gene Huntingtin đột biến gây bệnh. Trong ALS, CRISPR có thể được sử dụng để chỉnh sửa các gene gây bệnh, có khả năng làm chậm hoặc ngừng quá trình tiến triển của bệnh.
4. Ung thư: Liệu pháp CRISPR có thể được sử dụng để điều trị ung thư bằng cách chỉnh sửa các gene khiến tế bào ung thư sinh sôi nảy nở và di căn. CRISPR cũng có thể được sử dụng để tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tế bào ung thư, khiến chúng nhạy cảm hơn hóa trị và xạ trị.
Những lo ngại của công nghệ CRISPR
Mặc dù công nghệ CRISPR có nhiều lợi ích tiềm năng, nhưng cũng còn có một số lo ngại. Mặc dù CRISPR có độ chính xác cao nhưng vẫn có nguy cơ nó có thể vô tình chỉnh sửa các phần khác của bộ gene, dẫn đến hậu quả không lường trước được. Ngoài ra, cũng có những lo ngại về đạo đức xung quanh việc sử dụng công nghệ CRISPR. Có lo ngại rằng nó có thể được sử dụng để tạo ra “những đứa trẻ được thiết kế riêng” hoặc để thực hiện những thay đổi khác đối với bộ gene của con người mà không thực sự cần thiết cho mục đích y tế.
Nhìn chung, tiềm năng của công nghệ CRISPR là rất lớn và có khả năng chúng ta sẽ thấy nhiều đột phá hơn nữa trong những năm tới. Khi các nhà khoa học tiếp tục tinh chỉnh và cải thiện công nghệ này, nó có thể dẫn đến các phương pháp điều trị mới cho một loạt các rối loạn di truyền và các bệnh khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tiến hành một cách thận trọng và xem xét cẩn thận các tác động đạo đức của việc sử dụng công nghệ CRISPR để thay đổi bộ gene của con người.
Bài viết liên quan
Thần kinh
Ztalmy – Thuốc mới điều trị co giật liên quan đến thiếu hụt CDKL5
Sản phụ khoa
Tivdak – Thuốc mới điều trị ung thư cổ tử cung tái phát / di căn
Tác dụng phụ
Hoại tử biểu bì nhiễm độc / Hội chứng Lyell