Ung thư và những kiến thức cơ bản cần biết

08.04.2024 7:59 chiều

Bạn có biết tế bào ung thư được hình thành mỗi ngày trong cơ thể của bạn không?

Tế bào cơ thể

Cơ thể chúng ta được hình thành từ khoảng 30 ngàn tỷ tế bào khác nhau, mà chúng được bắt đầu từ một tế bào duy nhất ban đầu, gọi là tế bào gốc (Stem cell). Tế bào này tự sao chép, và mỗi bản sao lại tự sao chép, điều này xảy ra lặp đi lặp lại. Cuối cùng, những tế bào này tạo thành một cơ thể con người hoàn chỉnh.

Tế bào trong cơ thể được phân thành khoảng 200 loại tế bào khác nhau và mỗi loại có một vai trò đặc biệt trong cơ thể. Chúng có kích thước và hình dạng, thậm chí có tuổi thọ của chúng cũng khác nhau.

Sự hình thành tế bào ung thư

Quá trình phân chia sao chép tế bào là một quá trình liên tục diễn ra trong suốt cuộc đời của chúng ta, nhằm thay thế các tế bào đã chết hoặc bị hư hỏng trong cơ thể.

Mỗi ngày, cơ thể tạo ra khoảng 300 tỷ tế bào mới. Hơn một nửa trong số này là hồng cầu, chỉ tồn tại trong khoảng 120 ngày và liên tục được thay thế. Đây là một quá trình hoàn toàn bình thường.

Do số lượng lớn tế bào mới được tạo ra mỗi ngày thông qua quá trình sao chép. Những sai sót đôi khi không thể tránh khỏi trong sao chép, dẫn đến những biến đổi cấu trúc gene trong các tế bào mới được tạo ra, là nguyên nhân hình thành tế bào ung thư.

Có bao nhiêu tế bào ung thư hình thành mỗi ngày trong cơ thể người khỏe mạnh?

Những sai sót đôi khi không thể tránh khỏi trong quá trình sao chép đã dẫn đến hình thành tế bào ung thư. Không có con số chính xác, tuy nhiên về mặt học thuật dự đoán mỗi ngày có khoảng 5000 tế bào ung thư mới được hình thành trong cơ thể người khỏe mạnh.

Tại sao tế bào ung thư trong cơ thể người khỏe mạnh không biến thành ung thư?

Thông thường, khi một tế bào bị hư hỏng hoặc bị lỗi đột biến xuất hiện trong cơ thể, hệ thống miễn dịch của chứng ta sẽ nhận ra, tiêu diệt và loại trừ chúng ra khỏi cơ thể.

Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bạn mỗi ngày đã chiến đấu không mệt mỏi để tiêu diệt và không bỏ xót bất kỳ tế bào ung thư nào, giúp ngăn chặn hình thành ung thư.

Tại sao lại thành ung thư?

Suy cho cùng hệ thống miễn dịch của chúng ta không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Đôi khi hệ thống miễn dịch cũng có những sai lầm quan trọng, bỏ xót tế bào ung thư hoặc các đột biến khiến tế bào ung thư khó bị phát hiện. Những tế bào ung thư thoát khỏi sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch, sau đó có thể phát triển lan rộng khắp cơ thể. Đây là lúc những tế bào đó có thể trở thành ung thư.

Việc duy trì hệ thống miễn dịch kiện toàn là vũ khí quan trọng để ngăn ngừa xuất hiện ung thư.

Xem “7 lời khuyên để tăng cường khả năng miễn dịch”

Phải mất bao lâu để tế bào ung thư sống sót phát triển thành ung thư?

Thoát khỏi sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch, từ một tế bào ung thư sống sót lặng lẽ sẽ nhân lên theo thời gian, từ 1 lên 2, từ 2 lên 4, từ 4 lên 8 và từ 8 lên 16… số lượng của chúng tăng lên theo thời gian.

Thông thường phải mất từ ​​10 đến 20 năm để một tế bào ung thư phát triển đủ lớn để có thể được phát hiện trên lâm sàng. Nói cách khác, khi phát hiện ung thư điều đó có nghĩa là ung thư đã xuất hiện từ rất lâu trước đó.

Ví dụ, trong bệnh ung thư vú, phải mất hơn 15 năm, để một tế bào ung thư trở thành ung thư 1 cm. Tuy nhiên, chỉ mất khoảng 1 đến 2 năm để khối ung thư từ 1 cm phát triển thành 2 cm.

Tại sao ung thư gây tử vong?

Ung thư có thể gây tử vong thông qua nhiều cơ chế khác nhau, tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư cũng như các yếu tố cá nhân. Dưới đây là một số cách phổ biến mà ung thư có thể dẫn đến tử vong:

  • Suy cơ quan: Ung thư có thể xâm lấn và phá hủy các cơ quan quan trọng, chẳng hạn như phổi, gan, não hoặc tủy xương, cản trở các chức năng bình thường của chúng.
  • Di căn: Tế bào ung thư có thể lan truyền từ khối u ban đầu sang các bộ phận khác của cơ thể thông qua đường máu hoặc hệ bạch huyết, có thể làm tổn thương các cơ quan và mô, dẫn đến suy nội tạng.
  • Suy nhược: Ung thư tiến triển có thể gây ra tình trạng suy mòn, teo cơ, và mệt mỏi. Suy nhược có thể làm suy yếu khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể và tăng khả năng bị nhiễm trùng và các biến chứng khác.
  • Tác động toàn thân: Ung thư có thể gây ra tác động toàn thân trong cơ thể, chẳng hạn như viêm, mất cân bằng nội tiết tố hoặc gián đoạn hệ thống miễn dịch, có thể góp phần làm suy giảm sức khỏe tổng thể và cuối cùng dẫn đến tử vong.
  • Tắc nghẽn: Các khối u có thể phát triển và gây tắc nghẽn, chẳng hạn như tắc ngẽn đường tiêu hóa hoặc đường thở, dẫn đến các biến chứng và có khả năng tử vong nếu không được điều trị.
  • Biến chứng của bệnh tiến triển: Ung thư giai đoạn tiến triển có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau, chẳng hạn như chảy máu, huyết khối hoặc đau dữ dội, có thể góp phần làm sức khỏe suy giảm và tăng nguy cơ tử vong.
  • Biến chứng do điều trị: Một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật, có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc biến chứng có thể dẫn đến tử vong.

Ung thư có di truyền không?

Bản thân ung thư không thể truyền từ cha mẹ sang con cái, và những thay đổi di truyền trong tế bào khối u không thể truyền lại (di truyền). Tuy nhiên, sự thay đổi di truyền làm tăng nguy cơ ung thư có thể được truyền lại nếu nó hiện diện trong tế bào trứng hoặc tinh trùng của cha mẹ.

Ví dụ: nếu cha mẹ truyền gene BRCA1 hoặc BRCA2 đột biến cho con mình, đứa trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và một số bệnh ung thư khác cao hơn nhiều. Đó là lý do tại sao ung thư đôi khi có vẻ di truyền trong gia đình. Khoảng 10% tất cả các bệnh ung thư có thể là do những thay đổi di truyền gây ra.

Thừa hưởng một thay đổi di truyền liên quan đến ung thư không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị ung thư, mà có nghĩa là nguy cơ mắc ung thư của bạn sẽ tăng lên.

Có bao nhiêu loại ung thư?

Vì ung thư có thể hình thành ở hầu hết mọi loại tế bào, mỗi loại đều riêng biệt, nên ung thư không phải là một căn bệnh đơn lẻ mà là một nhóm bệnh gồm hơn 100 loại ung thư khác nhau, phát triển với tốc độ khác nhau, điều trị khác nhau, và có tỷ lệ thành công khác nhau.

Tại sao ung thư còn gọi là bệnh do lão hóa?

Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới và kết quả là Nhật bản cũng trở thành “quốc gia ung thư số một thế giới”. Theo thống kê, cứ 2 người Nhật thì có một người mắc ung thư trong cuộc đời của họ.

Tại sao khi con người sống lâu hơn dễ hình thành ung thư ? Vì những lý do sau

  • Càng cao tuổi, thì quá trình phân chia sao chép tế càng dễ bị lỗi cao hơn, hình thành nhiều đột biến.
  • Càng lớn tuổi, chức năng của tế bào miễn dịch suy giảm dần, dễ bỏ xót tế bào ung thư hình thành trong cơ thể, điều này làm ung thư dễ hình thành.
  • Việc sống lâu là thời gian cần để ung thư phát triển.

Ung thư khác với bướu lành tính như thế nào?

Các tế bào ung thư trong ung thư có khả năng xâm lấn sang các mô xung quanh và đi xa hơn, trong khi các tế bào trong u lành tính không có khả năng này. Bướu lành tính thường không lan ra ngoài giới hạn ban đầu, vì lý do này, có thể không gây hại. Tuy nhiên, một số khối u lành tính thay đổi và trở thành ác tính hoặc ung thư. Những khối u này sau đó có thể xâm lấn các mô xung quanh, tác động đến các tế bào khỏe mạnh gần đó để hình thành các mạch máu mang chất dinh dưỡng và oxy đến khối u.

Xét nghiệm ung thư

Thật khó xác định chính xác số lượng các xét nghiệm ung thư, vì các xét nghiệm mới liên tục được phát triển. Tuy nhiên, chúng có thể được phân loại thành hai nhóm chính: xét nghiệm sàng lọc hay xét nghiệm tầm soát và xét nghiệm chẩn đoán.

  • Xét nghiệm sàng lọc: được sử dụng để phát hiện ung thư ở những người không có bất kỳ triệu chứng nào. Những xét nghiệm này thường được khuyến nghị cho những người có nguy cơ mắc một loại ung thư cụ thể ở mức trung bình. Một số xét nghiệm sàng lọc phổ biến bao gồm chụp quang tuyến vú để phát hiện ung thư vú, xét nghiệm Pap để phát hiện ung thư cổ tử cung và nội soi để phát hiện ung thư đại trực tràng, xét nghiệm gene để phát hiện gene đột biến có nguy cơ gây ung thư.
  • Xét nghiệm chẩn đoán: được sử dụng để xác nhận sự hiện diện của bệnh ung thư sau khi người bệnh đó có triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm sàng lọc bất thường. Những xét nghiệm này cũng có thể được sử dụng để xác định giai đoạn và loại ung thư, điều này rất quan trọng trong việc lập kế hoạch điều trị. Một số xét nghiệm chẩn đoán phổ biến bao gồm sinh thiết, xét nghiệm hình ảnh (chẳng hạn như chụp CT, MRI và chụp PET) và xét nghiệm máu.

Các phương pháp điều trị ung thư.

Số lượng và sự đa dạng của các liệu pháp điều trị ung thư đã nhanh chóng mở rộng trong những năm gần đây khi những hiểu biết về sinh học ung thư mới đã được phát hiện. Các phương pháp điều trị hiện tại bao gồm:

Các phương pháp điều trị kinh điển

  • Phẩu thuật can thiệp
  • Hóa trị liệu
  • Xạ trị

Các phương pháp điều trị mới

7 lời khuyên để tăng cường khả năng miễn dịch

  • Sống vui vẻ lành mạnh, tránh căng thẳng.
  • Ăn uống lành mạnh, chú trọng ăn nhiều trái cây và rau quả, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo. Hạn chế chất béo bão hòa, cholesterol, muối và đường bổ sung. Ăn uống đầy đủ sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hỗ trợ tối ưu chức năng miễn dịch.
  • Hãy hoạt động thể chất thường xuyên giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, ngủ ngon hơn và giảm lo lắng. Kết hợp với việc ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất có thể giúp một người duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nghiên cứu mới cũng cho thấy rằng hoạt động thể chất có thể có lợi cho khả năng miễn dịch.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, cân nặng quá mức có thể ảnh hưởng đến chức năng cơ thể của bạn. Béo phì, được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên ở người lớn, có liên quan đến chức năng miễn dịch bị suy giảm.
  • Ngủ đủ, có bằng chứng khoa học cho thấy mất ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các bộ phận khác nhau của hệ thống miễn dịch, dẫn đến sự phát triển của nhiều loại rối loạn.
  • Từ bỏ hút thuốc, hút thuốc có thể khiến cơ thể kém hiệu quả trong việc chống lại bệnh tật. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hệ thống miễn dịch, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.
  • Tránh uống quá nhiều rượu, theo thời gian sử dụng rượu quá mức có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Nguồn tham khảo

  1. https://www.cancerfoundation.org.au/what-is-cancer-.html
  2. https://www.cancer.gov/about-cancer/understanding/what-is-cancer
  3. https://www.gankenshin50.mhlw.go.jp/susume/2009/contents2.html
  4. https://www.cdc.gov/nccdphp/dnpao/features/enhance-immunity/index.html
  5. https://www.medicalnewstoday.com/articles/does-everyone-have-cancer-cells-in-their-body

Nguyễn Tiến Sử, MD, PhD, MBA

🎓Tốt nghiệp Bác Sĩ Đa Khoa (MD), tại Đại Học Y Dược TP. HCM, VIETNAM (1995). 🎓Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa (PhD), ngành Y Học Ứng Dụng Gene, tại Tokyo Medical and Dental University, JAPAN (2007). 🎓Tốt nghiệp Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA), ngành Global Leadership, tại Bond University, AUSTRALIA (2015).

#Ung thư