Sơ lược
Tổn thương gan do thuốc (Drug-induced liver injury: DILI) hoặc nhiễm độc gan do thuốc (Drug-induced hepatotoxicity) là một phản ứng cấp tính hoặc mãn tính đối với một hợp chất tự nhiên (dược thảo, thực phẩm chức năng), hoặc dược chất tổng hợp (thuốc kê đơn, thuốc mua tự do tại các hiệu thuốc). Hầu hết các trường hợp DILI cải thiện sau khi ngừng thuốc, điều quan trọng là phải nhận ra và loại bỏ tác nhân càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh gan mãn tính và / hoặc suy gan cấp tính.
Triệu chứng lâm sàng.
Một số người dễ bị tổn thương gan do thuốc hơn tùy thuộc vào thể trạng của họ, vì vậy những người đã từng bị rối loạn chức năng gan do thuốc trong quá khứ hoặc đã từng có các triệu chứng dị ứng nên đặc biệt chú ý.
- Trong nhiều trường hợp không có triệu chứng (thường được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm máu trong các đợt khám sức khỏe) hoặc có triệu chứng nhẹ như khó chịu, sốt nhẹ, buồn nôn/nôn, ngứa, giảm thèm ăn.
- Trong trường hợp nặng có thể vàng da, xuất huyết dưới da, đau bụng, sưng gan, biểu hiện rối loạn ý thức.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng aminotransferase (AST, ALT) tăng cao (biểu hiện tổn thương tế bào gan), và alkaline phosphatase (ALP) tăng cao (biểu hiện ứ mật) .
Nguyên nhân
Gan có chức năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng hấp thụ từ ruột thành các chất có thể được sử dụng làm năng lượng và chuyển hóa các chất độc hại thành các chất ít độc hại hơn. Thông thường nếu sử dụng theo đúng liều lượng và cách dùng thì các tác dụng phụ gây rối loạn chức năng gan rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu dùng một lượng lớn hoặc nếu do cơ địa của người bệnh không thể chuyển hóa đầy đủ, các rối loạn khác nhau sẽ xảy ra như tổn thương tế bào gan và cản trở dòng chảy của mật. Các thuốc sau được cho là thường gây tổn thương gan:
- Thuốc giảm đau: acetaminophen
- Thuốc kháng sinh: amoxicillin-clavulanate, sulfamethoxazole-trimethoprim, ciprofloxacin, isoniazid (INH), tetracycline
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
- Thảo dược, thuốc bổ, thực phẩm chức năng: chiết xuất trà xanh, steroid đồng hóa, chất bổ sung dinh dưỡng đa thành phần, vitamin A
- Thuốc tim mạch: statin, amiodaron
- Tác nhân hệ thần kinh trung ương: valproate, phenytoin
- Thuốc chống ung thư: chất ức chế tyrosine kinase, chất ức chế yếu tố hoại tử khối u, chất ức chế alpha, methotrexate
Điều trị
- Ngừng dùng thuốc, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng đang sử dụng. Việc quyết định ngừng dựa trên các trị số của men gan. Nên ngừng dùng thuốc bất cứ khi nào ALT> 8 x giới hạn trên của mức bình thường (upper limit of normal: ULN), hoặc ALT> 5 x ULN trong 3 tuần, hoặc ALT> 3 x ULN + bilirubin> 2 x ULN, hoặc PT-INR > 1,5 x ULN hoặc có các triệu chứng gợi ý tổn thương gan.
- Nếu chức năng gan không cải thiện ngay cả sau khi ngừng thuốc, có thể dùng các loại thuốc như chế phẩm ursodeoxycol và chế phẩm glycyrrhizin để cải thiện chức năng gan.
- Nếu tổn thương gan tiến triển thành viêm gan, điều trị theo từng bệnh gan, chẳng hạn như dùng corticosteroid.
- Acetylcysteine đường uống rất hữu ích trong việc điều trị tổn thương gan do acetaminophen gây ra.
Nguồn tham khảo:
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3160634/
- https://medlineplus.gov/ency/article/000226.htm
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557535/#:~:text=Drug%2Dinduced%20hepatotoxicity%20is%20an,and%20close%20observation%20for%20resolution.
- 2. https://doctorsfile.jp/medication/565/
Bài viết liên quan
Hô hấp
Beyfortus – Thuốc mới phòng ngừa nhiễm virus hợp bào hô hấp ở trẻ
Huyết học
Ultomiris – Thuốc mới điều trị bệnh tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm
Nhãn khoa
Upneeq – Thuốc nhỏ mắt trị chứng sụp mi ở người trưởng thành