Bóng cười – Lợi ích và tác hại

28.07.2024 6:09 sáng

Bóng cười là gì?

Bóng cười (Funky ball) là loại bong bóng chứa đầy “khí cười” (Laughing gas). Hiện tại bóng cười được giới trẻ Việt Nam sử dụng như một thú vui giải trí. Khi hít “khí cười” từ bóng cười sẽ làm cho người sử dụng có cảm giác thư giản, lâng lâng, vui vẻ, cười khúc khích, hưng phấn nhẹ.

Việc sử dụng loại bóng cười này vẫn chưa được coi là vi phạm pháp luật Việt Nam tại thời điểm hiện nay, mặc dù một số nước ban hành quy định bao gồm cả cấm sử dụng nó ngoài mục đích Y khoa.

Khí cười là gì?

“Khí cười” có tên khoa học Nitrous oxide (oxit nitơ) và công thức hóa học là N2O, là một loại khí không mùi, không màu, không cháy.

“Khí cười” được phát hiện bởi nhà hóa học và triết học tự nhiên người Anh Joseph Priestley vào năm 1772. Việc hít “Khí cười” tạo ra cảm giác hưng phấn, say lâng, nên nó được sử dụng trong các bữa tiệc để làm sôi động bầu không khí vào thời đó. 

Tuy nhiên, vào năm 1795, một nhà hóa học người Anh khác là Humphrey Davy, đã chứng minh rằng “Khí cười” có tác dụng gây mê, và được sử dụng làm khí gây mê sau đó. 

Sử dụng “khí cười” trong Y khoa

Có một số lý do khiến bác sĩ và nha sĩ vẫn sử dụng “khí cười” N2O cho các thủ thuật nhỏ.

  • Giúp giảm lo lắng: Nó làm bệnh nhân an tâm bình tĩnh lại và tăng cường sự hợp tác.
  • Dễ sử dụng: Không cần kim tiêm, chỉ cần đeo mặt nạ để che mũi (hoặc mũi và miệng) và được yêu cầu hít thở.
  • Có tác dụng nhanh: Bắt đầu có tác dụng trong vòng 3-5 phút.
  • Tác dụng ngắn: Sẽ hết tác dụng 5-10 phút sau khi ngừng cung cấp khí.

Yếu tố rủi ro của việc sử dụng “khí cười”

Một số rủi ro xảy ra khi sử dụng “khí cười” như một thú vui giải trí, bao gồm:

  • Hạ huyết áp
  • Ngất xỉu
  • Đau tim
  • Thiếu oxy, hoặc mất oxy gây tử vong
  • Tổn thương thần kinh

Việc lạm dụng lâu dài “khí cười” có tác dụng phụ tiêu cực, như:

  • Mất trí nhớ
  • không tự chủ
  • Trầm cảm
  • Sự phụ thuộc tâm lý vào khí hít
  • Mất liên kết với thực tế
  • Hệ thống miễn dịch yếu
  • Tê ở tay và chân 
  • Co thắt chi
  • Ù tai
  • Sự suy giảm vitamin B12
  • Có thể gây dị tật bẩm sinh (nếu sử dụng trong thời kỳ mang thai)

Khí cười có thể gây nghiện không?

“Khí cười” không gây nghiện về mặt thể chất, có nghĩa là nó không ảnh hưởng đến các hormone như dopamine và làm thay đổi tính chất hóa học của não như cocaine. Tuy nhiên người sử dụng có thể phụ thuộc tâm lý vào “khí cười”.

Những người sau đây có thể cần phải tránh loại “khí cười”:

  • Bệnh nhân bệnh nặng: “khí cười” làm bất hoạt men tổng hợp methionine thông qua quá trình oxy hóa coban trong vitamin B12 và có thể dẫn đến thiếu máu hồng cầu to. Ở những bệnh nhân khỏe mạnh, tác động này không đáng kể, tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến huyết học ở những bệnh nhân bệnh nặng và nên tránh.
  • Bệnh tim nặng: men tổng hợp methionine cũng cần thiết để chuyển đổi homocysteine ​​thành methionine và nồng độ homocysteine ​​trong huyết thanh tăng cao có liên quan đến nguy cơ mắc các biến cố tim mạch. Nên tránh sử dụng “khí cười” ở những bệnh nhân mắc bệnh tim nặng, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác định tác động thực tế.
  • Ba tháng đầu thai kỳ: Do tác động được đề cập ở trên đối với quá trình chuyển hóa B12 và folate, không nên sử dụng “khí cười” ba tháng đầu thai kỳ.
  • Tràn khí màng phổi, tắc ruột non, phẫu thuật tai giữa và phẫu thuật võng mạc tạo bong bóng khí nội nhãn: “khí cười” hòa tan nhanh hơn nitơ gấp 30 lần. “Khí cười” khuếch tán vào không gian kín nhanh hơn nitơ, dẫn đến tăng thể tích và áp suất khí trong không gian kín. Do đó, chống chỉ định dùng “khí cười” trong trường hợp tràn khí màng phổi, tắc ruột non, phẫu thuật tai giữa và phẫu thuật võng mạc liên quan đến việc tạo bong bóng khí nội nhãn. Trong các trường hợp nội soi, “khí cười” có thể tích tụ trong khoang bụng và một số trường hợp tránh sử dụng.
  • Rối loạn tâm thần nghiêm trọng: “khí cười” có thể gây ra lơ mơ và ảo giác và nên tránh dùng ở những bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần nghiêm trọng.
  • Tăng huyết áp phổi: “khí cười” có thể làm tăng áp lực động mạch phổi thông qua kích thích giao cảm và các bác sĩ lâm sàng thường tránh dùng ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp phổi.
  • Các thủ thuật đầu – cổ có sử dụng dao đốt: Mặc dù “khí cười” không bắt lửa nhưng nó hỗ trợ quá trình đốt cháy và nên tránh sử dụng trong các thủ thuật này.
  • Suy giảm ý thức.

Quy định hạn chế sử dụng “khí cười” ở một số nước trên thế giới.

Do các vụ tai nạn ngạt thở, tổn thương tủy sống và tử vong sau khi sử dụng “khí cười” đã được báo cáo trên khắp thế giới, một số nước đã đưa ra các quy định, bao gồm cả việc cấm sử dụng loại khí này.

Ví dụ:

  • Tại Anh: Tháng 8 năm 2015 ban hành việc cấm sử dụng “khí cười” ngoài mục đích y khoa ở Khu vực Luân Đôn.
  • Tại Nhật: Tháng 2 năm 2016, bộ Y tế Nhật Bản, ban hành lệnh cấp mua bán, sở hữu và sử dụng “khí cười” cho các mục đích khác ngoài mục đích Y khoa.

Nguồn tham khảo

  1. https://www.abc.net.au/news/2019-02-20/laughing-gas-parties-discovery-of-anaesthesia/10811060
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532922/#:~:text=Indications-,Nitrous%20oxide%20is%20an%20odorless%2C%20colorless%2C%20non%2Dflammable%20gas,the%20least%20potent%20inhalational%20anesthetic.
  3. https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-to-know-about-laughing-gas
  4. https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/nitrous-oxide-laughing-gas
  5. https://www.mhlw.go.jp/stf/houdou/0000112797.html
  6. https://jp.reuters.com/article/london-laughinggas-idJPKCN0QN0AZ20150818/
  7. https://www.dailymail.co.uk/news/article-6048693/Young-mother-24-left-paralysed-chest-inhaling-hippy-crack.html

Nguyễn Tiến Sử, MD, PhD, MBA

🎓Tốt nghiệp Bác Sĩ Đa Khoa (MD), tại Đại Học Y Dược TP. HCM, VIETNAM (1995). 🎓Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa (PhD), ngành Y Học Ứng Dụng Gene, tại Tokyo Medical and Dental University, JAPAN (2007). 🎓Tốt nghiệp Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA), ngành Global Leadership, tại Bond University, AUSTRALIA (2015).

#Bóng cười
#Funky ball
#Khí cười
#Laughing Gas