Otezla – Thuốc mới điều trị loét miệng trong bệnh Behcet

23.07.2019 4:18 chiều

OTEZLA LÀ GÌ

Là thuốc dạng viên uống, chứa thành phần apremilas, là chất ức chế PDE-4 (phosphodiesterase 4) đặc hiệu cho cyclic adenosine monophosphate (cAMP), do Celgene phát triển và thương mại hóa. Otezla được chỉ định điều trị cho bệnh nhân trưởng thành bị loét miệng liên quan đến Bệnh Behçet.

Chỉ định này được FDA phê duyệt vào tháng 7 năm 2019.

CƠ CHẾ TÁC DỤNG

Apremilas là một chất ức chế PDE-4, là một loại enzyme phân giải cAMP. Sự ức chế PDE-4 làm tăng nồng độ cAMP nội bào, dẫn đến ức chế các yếu tố viêm như TNFa, interleukin 17, interleukin 23, đồng thời thúc đẩy yếu tố kháng viêm như interleukin 10. Tuy nhiên tác dụng cụ thể của Otezla trong điều trị bệnh này vẫn chưa được hiểu rõ.

HIỆU QUẢ LÂM SÀNG

Otezla được FDA phê duyệt dựa trên nghiên cứu RELIEF bao gồm 207 bệnh nhân trưởng thành mắc bệnh Behçet với các vết loét miệng hoạt động, và trước đó được điều trị ít nhất một thuốc không phải là thuốc sinh học. Các bệnh nhân được điều trị ngẫu nhiên với Otezla hoặc giả dược.

Kết quả cho thấy Otezla 30 mg 2 lần mỗi ngày (BID), giảm 42,7 điểm so với mức điểm cơ bản trong cơn đau do loét miệng khi đo theo phương pháp đánh giá thị giác (Visual Analog Scale) ở tuần 12, so với giảm 18,7 điểm với giả dược. Tỷ lệ bệnh nhân đạt được đáp ứng hoàn toàn loét miệng (không loét miệng) ở tuần 12 là 52,9% ở nhóm Otezla và 22,3% ở nhóm giả dược. Tỷ lệ bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn với loét miệng vào tuần thứ 6 và vẫn không bị loét miệng trong ít nhất sáu tuần nữa trong giai đoạn điều trị 12 tuần là 29,8% ở nhóm Otezla và 4,9% ở nhóm giả dược. Số lượng loét miệng trung bình hàng ngày trong giai đoạn điều trị 12 tuần là 1,5 ở nhóm Otezla và 2,6 ở nhóm giả dược (dựa trên số lượng loét miệng đo ở các tuần 1, 2, 4, 6, 8, 10 và 12).

ĐIỀU TRỊ VỚI OTEZLA VÀ TÁC DỤNG PHỤ THƯỜNG GẶP

(Xem thêm tài liệu hướng dẫn sử dụng)

Otezla được cung cấp dưới dạng viên nén. Để giảm các triệu chứng tiêu hóa, liều khuyến cáo theo lịch trình như sau:

Ngày 1: 10 mg vào buổi sáng

Ngày 2: 10 mg vào buổi sáng và 10 mg vào buổi tối

Ngày 3: 10 mg vào buổi sáng và 20 mg vào buổi tối

Ngày 4: 20 mg vào buổi sáng và 20 mg vào buổi tối

Ngày 5: 20 mg vào buổi sáng và 30 mg vào buổi tối

Ngày 6 và sau đó: 30 mg hai lần mỗi ngày

Các tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng Otezla trong điều trị Bệnh Behçet có thể bao gồm: tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.centerwatch.com/drug-information/fda-approved-drugs/drug/100399/otezla-apremilast
  2. https://ir.celgene.com/press-releases/press-release-details/2019/FDA-Approves-OTEZLA-apremilast-for-the-Treatment-of-Oral-Ulcers-Associated-with-Behets-Disease/default.aspx

Nguyễn Tiến Sử, MD, PhD, MBA

🎓Tốt nghiệp Khoa Y, ngành Bác Sĩ Đa Khoa (MD), tại Đại Học Y Dược TP. HCM, VIETNAM (1995). 🎓Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa (PhD), ngành Y Học Ứng Dụng Gene, tại Tokyo Medical and Dental University, JAPAN (2007). 🎓Tốt nghiệp Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA), ngành Global Leadership, tại Bond University, AUSTRALIA (2015).

#Behcet
#Interleukin
#Loét miệng
#Otezla
#Thuốc mới