Hội chứng chuyển hóa là gì?
Hội chứng chuyển hóa (Metabolic syndrome), bản thân hội chứng này không phải là một căn bệnh mà là một nhóm các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Huyết áp cao
- Lượng đường trong máu cao
- Mức cholesterol máu cao không lành mạnh
- Mỡ bụng (vòng bụng to)
Các yếu tố này có thể tăng nguy cơ tích tụ mảng bám trong động mạch, được gọi là xơ vữa động mạch, cục máu đông dễ hình thành khi thành mạch bị tổn thương và gây tắc nghẽn có thể gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Nguyên nhân gây ra hội chứng chuyển hóa?
Các chuyên gia vẫn chưa rõ tại sao hội chứng chuyển hóa lại phát triển. Tuy nhiên một số yếu tố sau được cho là có liên quan đến hội chứng này.
- Đề kháng insulin: Insulin là một loại hormone giúp cơ thể sử dụng glucose (một loại đường đơn được tạo ra từ thực phẩm bạn ăn) làm năng lượng. Ở những người bị đề kháng insulin, làm insulin không hoạt động tốt, dẫn đến cơ thể tiếp tục tạo thêm nhiều insulin hơn để đối phó với mức độ glucose tăng lên. Cuối cùng, điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Tình trạng kháng insulin có liên quan chặt chẽ đến tình trạng thừa mỡ bụng.
- Béo phì: Các chuyên gia cho rằng hội chứng chuyển hóa đang trở nên phổ biến hơn do tỷ lệ béo phì ngày càng tăng. Ngoài ra, việc có nhiều mỡ ở bụng dường như làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Lối sống không lành mạnh: Ăn một chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến không lành mạnh và không hoạt động thể chất đầy đủ có thể đóng một vai trò nào đó.
- Mất cân bằng nội tiết tố cũng có thể đóng một vai trò nào đó, ví dụ như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), một tình trạng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, có liên quan đến mất cân bằng nội tiết tố và hội chứng chuyển hóa.
- Hút thuốc.
Nếu bạn vừa được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa, hãy coi đó như một lời cảnh tỉnh. Đã đến lúc bạn phải nghiêm túc trong việc cải thiện sức khỏe của mình.
Thực hiện những thay đổi đơn giản trong thói quen hiện tại để có thể ngăn ngừa bệnh tật nghiêm trọng trong tương lai.
Những ai có nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa?
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia, cho rằng có 5 yếu tố nguy cơ tạo nên hội chứng chuyển hóa.
Yếu tố | Chỉ số |
Vòng bụng lớn | Nam: 100 cm hoặc hơn Nữ: 90 cm hoặc hơn |
Triglycerides cao | 150 mg/dL hoặc cao hơn Hoặc đang sử dụng thuốc điều trị cholesterol |
Cholesterol tốt (HDL) thấp | Nam: dưới 40 mg/dL Nữ: dưới 50 mg/dL Hoặc đang sử dụng thuốc điều trị cholesterol |
Cao huyết áp | 130/85 hoặc cao hơn Hoặc đang sử dụng thuốc hạ huyết áp |
Cao đường huyết lúc đói | 100 mg/dL hoặc cao hơn |
Triệu chứng của hội chứng chuyển hóa là gì?
Hầu hết các rối loạn liên quan đến hội chứng chuyển hóa đều không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng. Một dấu hiệu có thể nhìn thấy được là vòng bụng lớn. Và nếu lượng đường trong máu cao, có thể nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như khát nước và đi tiểu nhiều, mệt mỏi và mờ mắt.
Hội chứng chuyển hóa được chẩn đoán như thế nào?
Mỗi tổ chức có tiêu chí riêng để chẩn đoán hội chứng chuyển hóa. Tiêu chí bao gồm:
- Bụng béo phì
- BMI trên 25
- Triglyceride cao
- Cholesterol HDL thấp
- Huyết áp cao hoặc đang sử dụng thuốc để hạ huyết áp
- Đường huyết lúc đói cao
- Tăng đông máu. Điều này có nghĩa là bạn có nhiều chất kích hoạt plasminogen trong huyết tương và fibrinogen hơn, khiến máu đông lại.
- Đề kháng insulin. Có nghĩa là bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2, rối loạn đường huyết lúc đói hoặc suy giảm khả năng dung nạp glucose.
Biến chứng của hộ chứng chuyển hóa?
- Bệnh tiểu đường type 2: Nếu bạn không thực hiện thay đổi lối sống để kiểm soát cân nặng dư thừa của mình, có thể dẫn đến đề kháng insulin, điều này có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên. Cuối cùng, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
- Bệnh tim và mạch máu: Cholesterol cao và huyết áp cao có thể góp phần tích tụ mảng bám trong động mạch. Những mảng bám này có thể thu hẹp và làm cứng thành mạch, có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.
Phòng ngừa như thế nào?
Thực hiện lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa các tình trạng gây ra hội chứng chuyển hóa, bao gồm:
- Có ít nhất 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày đều đặn
- Chế độ ăn nhiều rau, trái cây, protein nạc và ngũ cốc
- Hạn chế chất béo bão hòa và hạn chế muối trong chế độ ăn uống
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Không hút thuốc
Nguồn tham khảo
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/metabolic-syndrome#:~:text=Metabolic%20syndrome%20is%20a%20condition,and%20low%20HDL%20cholesterol%20levels.
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/metabolic-syndrome/symptoms-causes/syc-20351916
- https://www.webmd.com/heart/metabolic-syndrome/metabolic-syndrome-what-is-it
Bài viết liên quan
Tin khác
Danh sách thuốc mới được FDA phê duyệt năm 2017
Thận tiết niệu bàng quang
Lupkynis – Thuốc mới điều trị viêm thận lupus
Hô hấp
Molnupiravir – Thuốc dạng uống thứ 2 được cấp EUA để điều trị COVID-19 thể nhẹ