Tin tốt cho bệnh nhân COPD

27.11.2023 8:48 chiều

Hôm nay, Regeneron Pharmaceuticals và Sanofi thông báo kết quả phân tích tạm thời từ nghiên cứu NOTUS, đánh giá hiệu quả của Dupixent® (dupilumab) trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic obstructive pulmonary disease: COPD). Kết quả cho thấy Dupixent làm giảm đáng kể (34%) các đợt kịch phát trầm trọng (exacerbation) trong COPD, đồng thời Dupixent cũng giúp cải thiện nhanh chóng và đáng kể chức năng phổi sau 12 tuần điều trị và duy trì ở tuần thứ 52.

Regeneron và Sanofi có kế hoạch gửi kết quả tích cực này lên Cục Quản lý Dược & Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ vào cuối năm nay.

NOTUS đánh giá việc sử dụng Dupixent ở bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không kiểm soát được và có bằng chứng về tình trạng viêm loại 2 (tức là bạch cầu ái toan trong máu ≥300 tế bào trên mỗi μL), đang sử dụng liệu pháp chăm sóc dạng hít tiêu chuẩn tối đa (liệu pháp ba thuốc). Tham gia nghiên cứu NOTUS bao gồm 935 bệnh nhân trưởng thành hiện đang hoặc đã từng hút thuốc, từ 40 đến 85 tuổi và được chọn ngẫu nhiên để dùng Dupixent (n=470) hoặc giả dược (n=465), cộng với liệu pháp chăm sóc tiêu chuẩn tối đa qua đường hít. Bệnh nhân dùng Dupixent so với giả dược có kết quả:

  • Giảm 34% các đợt kịch phát COPD cấp tính vừa hoặc nặng trong 52 tuần (p=0,0002).
  • Chức năng phổi được cải thiện so với ban đầu là 139 mL sau 12 tuần so với 57 mL ở nhóm dùng giả dược (p=0,0001), hiệu quả này được duy trì ở tuần 52 (115 mL đối với Dupixent so với 54 mL đối với giả dược, p=0,0182).

Về tính an toàn nhìn chung phù hợp với đặc điểm an toàn đã biết của Dupixent trong các chỉ định đã được phê duyệt. Tỷ lệ chung của biểu hiện có hại (adverse event: AE) là 67% đối với Dupixent so với 66% của giả dược. Các AE thường gặp hơn với Dupixent (≥5% và ≥1%) so với giả dược bao gồm COVID-19 (9,4% Dupixent, 8,2% giả dược), viêm mũi họng (6,2% Dupixent, 5,2% giả dược) và đau đầu (7,5% Dupixent, giả dược 6,5%). Các AE thường gặp hơn ở giả dược so với Dupixent bao gồm COPD (7,8% giả dược, 4,9% Dupixent). Các AE dẫn đến tử vong là 2,6% đối với Dupixent và 1,5% đối với giả dược.

Dupixent được FDA phê duyệt lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2017. Dupixent ức chế IL-4 thông qua thụ thể loại I, và ức chế IL-13 thông qua thụ thể loại II bằng cách block subunit IL-4Rα. IL-4Rα biểu hiện trong nhiều loại tế bào ví dụ, tế bào lympho, đơn bào (monocyte), bạch cầu ái toan, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào cơ trơn. Việc ngăn chặn IL-4Rα bằng dupilumab ức chế các đáp ứng do IL-4 và IL-13 gây ra trên cytokine, bao gồm việc giải phóng các cytokine tiền viêm, chemokine và IgE.

Nguồn tham khảo

  1. https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2303951
  2. https://investor.regeneron.com/news-releases/news-release-details/dupixentr-dupilumab-significantly-reduced-copd-exacerbations
  3. https://www.sanofi.com/assets/dotcom/pressreleases/2023/2023-11-27-06-30-00-2785836-en.pdf

Nguyễn Tiến Sử, MD, PhD, MBA

🎓Tốt nghiệp Khoa Y, ngành Bác Sĩ Đa Khoa (MD), tại Đại Học Y Dược TP. HCM, VIETNAM (1995). 🎓Tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa (PhD), ngành Y Học Ứng Dụng Gene, tại Tokyo Medical and Dental University, JAPAN (2007). 🎓Tốt nghiệp Thạc Sĩ Quản Trị Kinh Doanh (MBA), ngành Global Leadership, tại Bond University, AUSTRALIA (2015).

#Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
#COPD