Với sự tiến bộ trong y sinh học đã giúp các nhà nghiên cứu xác định bộ gene của bệnh nhân, đồng thời xác định các cấu trúc DNA đặc thù của ung thư dễ dàng hơn. Việc này giúp tạo ra vaccine ung thư mã hóa các kháng nguyên ung thư (neoantigen) hoạt động hiệu quả hơn.
Không giống như các loại vaccine truyền thống nhằm mục đích ngăn ngừa bệnh, vaccine ung thư thường nhằm mục đích điều trị, với vai trò huấn luyện hệ thống miễn dịch của bệnh nhân, cho phép tế bào T (một loại tế bào miễn dịch) tuần tra cơ thể để tìm tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
Dưới đây là một số vaccine ung thư đang được thử nghiệm lâm sàng với kết quả đầy hứa hẹn.
Vaccine điều trị u hắc tố bào
Là vaccine mRNA của Moderna. Vaccine này kết hợp với Keytruda của Merck để điều trị hỗ trợ cho những bệnh nhân bị u hắc tố bào ác tính có nguy cơ cao (giai đoạn IIB-IV) đã được cắt bỏ.
Kết quả thử nghiệm pha IIb được công bố cho thấy những bệnh nhân được điều trị bằng mRNA-4157/V940 kết hợp với Keytruda có nguy cơ tái phát hoặc tử vong do ung thư thấp hơn 44% so với những bệnh nhân chỉ điều trị bằng Keytruda.
mRNA-4157/V940 được thiết kế cho riêng từng cá nhân (mRNA based personalized cancer vaccine) chứa các chuổi RNA truyền tin tổng hợp, dựa trên đột biến đặc hiệu trên chuổi trình tự DNA của khối u bệnh nhân. Chúng có thể mã hóa tối đa đến 34 kháng nguyên ung thư (neoantigen). Sau khi đưa vào cơ thể, chuổi RNA mã hóa kháng nguyên ung thư (Neoantigen) được sao chép nội sinh và trải qua quá trình xử lý kháng nguyên trong tế bào tự nhiên, là bước quan trọng trong khả năng miễn dịch thích nghi để tấn công ung thư.
Vaccine điều trị ung thư tuyến tụy.
Autogene cevumaren là vaccine mRNA được phát triển bởi Biontech và Genentech, trước đó đã được thử nghiệm điều trị một loạt các khối u rắn trong thử nghiệm lâm sàng pha I, kết quả được công bố trên tạp chí Nature hồi tháng 5 năm nay, cho thấy vaccine đã kích hoạt một nhóm lớn các tế bào T đặc hiệu Neoantigen ở bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến tụy (Pancreatic ductal adenocarcinoma : PDAC), nhiều bệnh nhân đã sống trong thời gian dài mà không có sự tái phát ung thư. PDAC có tỷ lệ tái phát cao và rất khó điều trị. Thử nghiệm lâm sàng pha II sẽ tuyển dụng 206 bệnh nhân và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2029.
Ngoài PDAC, autogene cevumaren cũng đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng pha II đối với ung thư đại trực tràng và khối u ác tính khác.
Vaccine điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) tiến triển
Vào tháng 9 năm nay, OSE Immunotherapeutics đã công bố kết quả tích cực từ một thử nghiệm lâm sàng pha III về vaccine ung thư có tên thương mại là Tedopi của họ đối với NSCLC. Tedopi được phê duyệt để sử dụng mục đích nhân đạo (Compassionate use) ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Vaccine là hổn hợp của các peptide kháng nguyên nhằm kích hoạt các tế bào T chống khối u. Các kháng nguyên này được chọn vì chúng thường được biểu hiện ở những bệnh nhân mắc NSCLC và kiểu hình HLA-A2.
219 bệnh nhân (không đáp ứng hoặc đề kháng sau điều trị bằng các chất ức chế checkpoint miễn dịch và hóa trị) tham gia được điều trị bằng Tedopi có khả năng sống sót và chất lượng cuộc sống tốt hơn rõ rệt so với những người được hóa trị liệu tiêu chuẩn. Những kết quả này mang lại hứa hẹn cho những bệnh nhân đã không còn hoặc không nhiều lựa chọn các phương thức điều trị. Tedopi cũng đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng pha II để điều trị PDAC và ung thư buồng trứng tái phát.
Vaccine điều trị ung thư cổ tử cung
Nykode Therapeutics có trụ sở tại Na Uy, đã công bố kết quả tích cực của thử nghiệm lâm sàng pha IIA về vaccine VB10.16 trong điều trị ung thư cổ tử cung. Vaccine VB10.16 kết hợp với atezolizumab điều trị 52 người tham gia thử nghiệm. Những bệnh nhân được tiêm vaccine đã được theo dõi trong một năm và cho thấy thời gian sống còn toàn bộ trung vị là 16,9 tháng. Một thử nghiệm thứ hai, lớn hơn của VB10.16 trong ung thư cổ tử cung sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.
VB10.16 được thiết kế dựa trên DNA plasmid mã hóa ba nhóm. Trong ba nhóm, một nhóm mã hóa lên tới 20 Neoantigens và một nhóm khác nhắm mục tiêu thu hút các tế bào trình bày kháng nguyên (APC). Tùy thuộc vào loại APC bị thu hút, vaccine có thể kích hoạt các tế bào T, tiêu diệt các tế bào mang Neoantigen, hoặc tế bào B, tạo ra các kháng thể chống lại các tế bào mang Neoantigen.
Vaccine dựa trên vector virus của Transgene
Transgene là công ty công nghệ sinh học Pháp, đã công bố kết quả đầy hứa hẹn của vaccine dựa trên vector virus, TG4050 được phát triển hợp tác với NEC Corporation của Nhật. Vaccine này hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm pha I đối với ung thư buồng trứng và ung thư đầu – cổ với HPV (-), đã cho thấy các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở bệnh nhân. Khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, đặc biệt là ở những bệnh nhân ung thư có thể đã bị suy yếu hệ thống miễn dịch, là chỉ số đầu tiên cho thấy vaccine ung thư có thể có hiệu quả.
Các loại vaccine được phát triển trên nền tảng MYVAC của Transgene, các Neoantigen được chọn bằng hệ thống AI của NEC. Neoantigen được tùy chỉnh cho từng bệnh nhân.
Nguồn tham khảo:
- https://investors.modernatx.com/news/news-details/2022/Moderna-and-Merck-Announce-mRNA-4157V940-an-Investigational-Personalized-mRNA-Cancer-Vaccine-in-Combination-with-KEYTRUDAR-pembrolizumab-Met-Primary-Efficacy-Endpoint-in-Phase-2b-KEYNOTE-942-Trial/default.aspx
- https://www.reuters.com/business/healthcare-pharmaceuticals/moderna-merck-vaccine-combo-cut-melanoma-recurrence-by-44-study-2022-12-13/
- https://www.nature.com/articles/s41586-023-06063-y
- https://www.biospace.com/article/5-cancer-vaccines-to-watch-in-2024/?keywords=Vaccine+cancer
- https://www.ose-immuno.com/en/our-products/tedopi-modular/
- https://www.precisionmedicineonline.com/precision-oncology/nykode-therapeutics-cleared-begin-phase-ii-trial-vaccine-tecentriq-cervical
- https://thegioithuocmoi.com/?s=Acute+Lymphoplastic+leukemia&asp_active=1&p_asid=1&p_asp_data=1&filters_initial=1&filters_changed=0&qtranslate_lang=0¤t_page_id=324
Bài viết liên quan
Xét nghiệm
Gánh nặng khối u
Ung thư
Carvykti – Liệu pháp tế bào CAR-T điều trị bệnh đa u tủy
Nội tiết - Chuyển hoá
Adlyxin – Thuốc mới cải thiện đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2